Dự án Bữa ăn học đường thiết thực với các trường tiểu học bán trú
Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội vừa phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết triển khai dự án Bữa ăn học đường giai đoạn 2017 – 2020 và Định hướng triển khai cho giai đoạn tiếp theo.
Dự án Bữa ăn học đường do Công ty Ajinomoto phối hợp với Viện Dinh dưỡng Quốc gia – Bộ Y tế và Bộ GDĐT triển khai từ năm 2012. Sau 8 năm, dự án đã được triển khai tại hơn 4.000 trường tiểu học bán trú thuộc 62 tỉnh thành toàn quốc, mang đến bữa ăn cân bằng dinh dưỡng, đồng thời giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho học sinh tiểu học bán trú trên toàn quốc.
Đánh giá về tình trạng dinh dưỡng học đường hiện nay, GS.TS.Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) – cho biết, trẻ em Việt Nam tăng trưởng thể chất và chiều cao đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, cải thiện dinh dưỡng trẻ em vùng sâu vùng xa khó khăn vẫn còn chậm chạp, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng vẫn còn cao.
Ngược lại, trẻ em thành phố lại đang có tình trạng thừa cân béo phì. Vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sử phát triển của trẻ.
“Dự án Bữa ăn học đường dựa trên tất cả thực đơn đã được nghiên cứu rất kỹ, và tất cả khẩu phần ăn đều được lấy từ thực phẩm truyền thống của Việt Nam, không có những loại thức ăn nhanh, rất lành mạnh, đồng thời chứa đầy đủ vi chất dinh dưỡng để đảm bảo cho sự phát triển của trẻ” – Thầy thuốc Nhân dân Lê Danh Tuyên chia sẻ thêm.
Hà Nội là một trong những tỉnh thành đầu tiên triển khai thí điểm dự án từ năm 2015. Tháng 4.2017, dự án triển khai cho các trường tiểu học bán trú trên toàn thành phố. Trong quá trình triển khai, Công ty Ajinomoto Việt Nam đã phối hợp cùng Sở GDĐT và các Phòng GDĐT thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy nhà trường áp dụng những nội dung của dự án, như: Tập huấn trực tiếp cho các Phòng GDĐT; Hướng dẫn trực tiếp tại trường; Hỗ trợ trao đổi thông tin dự án đến phụ huynh học sinh; Tư vấn hướng dẫn sử dụng cũng như chia sẻ thêm thông tin về dự án, thực đơn qua điện thoại.
Tính đến tháng 8.2020, dự án đã cử chuyên viên đến tập huấn trực tiếp cho 261 trường tiểu học bán trú tại Hà Nội.
Để áp dụng thành công dự án, việc xây dựng lộ trình triển khai phù hợp đóng vai trò quan trọng. Tùy theo điều kiện, mỗi trường tiểu học nên có kế hoạch riêng, bắt đầu áp dụng dần dần thực đơn dự án từ một ngày/tuần và hoàn thiện với năm ngày/ tuần. Không chỉ giúp các em làm quen với các món ăn mới, lộ trình áp dụng cũng giúp cho bộ phận phụ trách công tác bán trú sắp xếp và điều chỉnh công việc.
Chia sẻ về định hướng triển khai dự án trong thời gian sắp tới, ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội – cho biết: “Dự kiến sắp tới chúng tôi sẽ triển khai đồng loạt dự án tại 100% các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội, để giúp cho công tác bán trú của nhà trường được thực hiện tốt và giúp bữa ăn của học sinh tiểu học được cải thiện và đảm bảo dinh dưỡng”.
Theo Báo Lao động