Ngành giáo dục linh hoạt ứng phó hiệu quả với dịch bệnh
Đầu năm 2021, khi dịch Covid-19 quay trở lại, lường trước mức độ nguy hiểm của lần bùng phát này, ngành giáo dục đã chủ động ứng phó linh hoạt theo đúng chủ trương “tạm dừng đến trường, không dừng học”.
Làm gì để học sinh và thầy cô giáo an toàn và hoạt động giáo dục không bị “đứt gãy”, hoàn thành kế hoạch năm học… là câu hỏi được cả xã hội quan tâm. TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có những trao đổi thẳng thắn với phóng viên Báo Quân đội nhân dân để làm rõ hơn cách làm của Bộ GD&ĐT.
PV: Thưa ông, tình hình diễn biến dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp, Bộ GD&ĐT có chỉ đạo thế nào với các địa phương về công tác ứng phó?
TS Thái Văn Tài: Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn chỉ đạo địa phương trong công tác phòng dịch và thực hiện kế hoạch dạy học trong tình hình dịch đang diễn ra phức tạp. Trong đó có các nội dung như: Tuân thủ nghiêm các nội dung phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và ban chỉ đạo phòng dịch địa phương; chú trọng công tác truyền thông đến phụ huynh, lứa tuổi nhỏ như mầm non, tiểu học.
PV: Hiện việc dạy học trực tuyến đang được kích hoạt, ông so sánh thế nào giữa năm 2020 và năm 2021?
TS Thái Văn Tài: Năm 2020, chúng ta ứng phó với tình hình dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, ngành giáo dục và các địa phương đã có nhiều giải pháp thực hiện tổ chức dạy học một cách linh hoạt để hoàn thành chương trình, đạt được mục tiêu và được các nước đánh giá cao; xã hội ghi nhận sự nỗ lực vào cuộc rất trách nhiệm của các thầy cô giáo cũng như sự đồng hành của các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng và cha mẹ học sinh.
Năm 2021, các địa phương chủ động kích hoạt các phương pháp dạy học trực tuyến bài bản hơn. Bộ cũng đang hoàn thiện bước cuối về thông tư quy định dạy trực tuyến. Như vậy, về hành lang pháp lý, chắc chắn chúng ta sẽ có những bước làm bài bản và dạy học trực tuyến trở thành hỗ trợ thường xuyên, liên tục để nâng cao chất lượng dạy và học trực tiếp; cũng như có giải pháp chủ động, phù hợp để ứng phó kịp thời với những hoàn cảnh bất khả kháng, khiến học sinh không thể đến trường.
PV: Dạy học trực tuyến là một giải pháp tốt. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, với học sinh khối tiểu học, đặc biệt là khối lớp 1, lớp 2 thì thời gian quá ngắn, hiệu quả không cao?
TS Thái Văn Tài: Hiện, chúng ta có hình thức dạy học bổ trợ song song với dạy học trực tiếp. Việc này chúng ta đã thực hiện thường xuyên, liên tục trong quá trình dạy học, như ứng dụng phần mềm để tương tác với học sinh, hoàn thành một số nhiệm vụ để duy trì thói quen học tập và nâng cao chất lượng học tập của các em. Tùy độ tuổi, điều kiện địa phương, tùy từng thiết bị, sự sẵn sàng và các điều kiện bảo đảm về mặt an toàn cũng như bảo đảm chất lượng dạy học, nhà trường, giáo viên sẽ chọn hình thức dạy học và áp dụng như thế nào cho phù hợp với dạy học trực tuyến. Đối với khối lớp 1, lớp 2, nhiều nơi có những định hướng là không tổ chức dạy trực tuyến theo cách thay thế hoàn toàn. Chỉ dạy những nội dung, bài học phù hợp với tâm lý lứa tuổi và chỉ áp dụng đối với những ứng dụng mang tính chất bổ trợ cho học trực tiếp.
PV: Nhiều địa phương cho học sinh đi học trở lại, nhưng một số địa phương vẫn quyết định cho học sinh tạm dừng đến trường. Bộ có điều chỉnh thời gian năm học ra sao để tạo sự đồng nhất trong cả nước?
TS Thái Văn Tài: Tính trên bình diện chung toàn quốc, sau ngày 1-3, hầu hết các địa phương đã có phương án cho học sinh đi học trở lại. Theo Quyết định số 2084/QĐ-BGDĐT về ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, học kỳ I kết thúc vào ngày 16-1, học sinh tiếp tục học chương trình học kỳ II bắt đầu từ ngày 18-1 đến 5-2, như vậy các em đã học được 3 tuần. Sau Tết các em phải thực hiện số tuần còn lại của chương trình học kỳ II theo quy định. Nếu các tỉnh bắt đầu cho học sinh đi học trở lại từ ngày 1-3 thì khung thời gian đi học theo Quyết định số 2084/QĐ-BGDĐT đã ban hành là đủ thời gian để thực hiện chương trình và kết thúc năm học vào ngày 31-5. Nếu diễn biến phức tạp thì trên phạm vi quy mô nhỏ, có thể cá biệt một địa phương hoặc tại địa phương cấp huyện nào đó, sẽ có sự chỉ đạo linh hoạt đối với từng cấp bậc học.
Năm nay là năm đặc biệt với cấp tiểu học, là năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Vì vậy riêng với lớp 1, chúng tôi đang tham mưu với lãnh đạo Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện đầy đủ nội dung theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông mới và các nhà trường cố gắng thực hiện sắp xếp thời gian linh hoạt, tận dụng thời gian học bù, học tăng cường để bảo đảm đầy đủ các nội dung của chương trình; cố gắng triển khai một năm học trọn vẹn đối với học sinh lớp 1. Đối với tiểu học, chúng tôi tham mưu chỉ đạo hoàn thành chương trình năm học dựa trên đáp ứng được các yêu cầu cần đạt và sẽ kích hoạt lại Công văn số 1125/BGDĐT-GDTH về hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học mà toàn ngành đã thực hiện trong năm học 2019-2020 để các trường thực hiện trong khung thời gian quy định. Đối với các cấp học như THPT, THCS, Bộ GD&ĐT sẽ có chỉ đạo cụ thể để thống nhất lịch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Báo Quân Đội Nhân Dân